Thị trường cổ phiếu niêm yết chưa chính thức (UPCoM) đang là điểm nóng của kênh đầu tư chứng khoán khi tăng trưởng mạnh mẽ, là nơi cư trú ngày càng nhiều của các tài sản có chất lượng cao.
Tính từ đầu năm đến nay, nếu như chỉ số VN-Index tăng trưởng chưa đến 10% thì chỉ số UPCoM-Index lại đạt mức tăng gần 20%, đi cùng khá nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ. Thanh khoản của thị trường này không bằng thị trường chính thức nhưng cũng có phiên đạt tới hơn 900 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, giá trị vốn hoá của toàn thị trường UPCoM lên tới 1.033,7 tỷ đồng. Thị trường này cũng ngày càng hấp dẫn các định chế tài chính trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Ra đời từ 2009, sàn UPCoM hướng tới điều kiện cho các công ty nhỏ và vừa có khả năng niêm yết chứng khoán, nhưng chưa đủ điều kiện để tham gia giao dịch trên sàn chứng khoán chính thức (HoSE, HNX). Tuy là “kép phụ” nhưng sân chơi này ngày càng hấp dẫn nhờ sự hiện diện của các ông lớn.
Có thể kể đến một số tài sản chất lượng, giá trị hàng tỷ USD đang giao dịch trên sân UPCoM như: Tổng công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (VGI), vốn hoá thị trường của VGI lên tới 62.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu vươn ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel, sở hữu một số đơn vị viễn thông khá nổi tiếng như Metfone (Campuchia), Unitel (Lào).
Một tài sản có giá trị khác trên sàn UPCoM là Masan Consumer Corporation (MCH). Đây là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi như mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami), gia vị (nước chấm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), Vinacafe. Doanh thu kế hoạch 2023 của MCH khoảng 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng trên 5.600 tỷ đồng.
Một cổ phiếu đáng chú ý khác là mã VEA của Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – thành viên góp vốn trong liên doanh với các hãng xe Toyota, Honda, Ford… lợi nhuận của tổng công ty này được duy trì ổn định qua nhiều năm. Hiện giá trị vốn hoá của VEA đã hơn 2 tỷ USD, đồng thời là đích nhắm hấp dẫn của giới đầu tư khi xu thế tiêu thụ ô tô đang tăng nhanh của Việt Nam.
Gỗ An Cương (mã ACG) cũng là trường hợp đáng chú ý khi chiếm thị phần lớn nhất trong ngành gỗ công nghiệp trong nước. Lợi nhuận của hãng được duy trì khá ổn đinh: trên dưới 500 tỷ đồng mỗi năm, đi cùng cấu trúc tài chính khá lành mạnh; mức vốn hoá của An Cường đang đạt khoảng 5.700 tỷ đồng.
Danh sách các tên tuổi lớn niêm yết trên sàn UPCoM còn có Nhà máy lọc dầu Dung Quốc, Thuỷ sản Minh Phú, Tổng công ty cảng hàng không ACV (nhà đầu tư Sân bay quốc tế Long Thành).
Có thể thấy sức hút của UPCoM nằm ở chỗ sở hữu một số doanh nghiệp tiềm năng, có thể trở thành ngôi sao trong tương lai. Đầu tư vào thị trường này sẽ phù hợp với giới đầu tư ưa mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro và đón đầu xu thế. Hơn thế nữa, nhà đầu tư có thể mua được hàng tốt với giá phải chăng nhờ tính cạnh tranh thấp hơn so với khi mua trên HoSE hay HNX.
Việc nhiều người dân quan tâm và đầu tư vào các công ty không niêm yết trên UPCoM có thể tạo ra sự tăng trưởng. Đầu tư vào các cổ phiếu UPCoM thậm chí có thể mang lại lợi nhuận cao hơn so với lãi suất tiết kiệm, hoặc đầu tư các cổ phiếu trên VN-Index mà đa số chúng đang ở mức giá khá cao như Vinamilk, Vingroup, Vietjet.
Cơ hội trong các năm tới đang xuất hiện ngày càng rõ với nỗ lự đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ. Khi đó UPCoM sẽ là nền tảng giao dịch phù hợp cho các công ty này. Một yếu tố quan trọng để sàn giao dịch tăng trưởng là thanh khoản – khả năng mua bán cổ phiếu. Thời gian tới, nếu có chính sách phát triển thanh khoản tốt hơn, UPCoM có thể thu hút hơn nữa sự quan tâm của nhà đầu tư, mang đến tiềm năng tăng trưởng khả quan.